Tết nguyên đán là một trong các dịp lễ lớn và quan trọng nhất của người Việt từ xa xưa cho đến ngày nay. Trải qua thời gian tết ngày nay tuy có những thay đổi về cách mua sắm, trang phục tuy nhiên cái thiêng liêng khi nhắc đến tết hoăc triết lý của ngày tết thì mãi mãi vẫn là như thế.
Trên thế giới và nhất là Châu Á ai cũng biết Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam là vùng ngoại biên và chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Tuỳ theo bản sắc văn hoá, nền tảng và cách tiếp nhận văn hoá khác nhau từ nền văn minh Trung Hoa làm nên các dịp lễ tết khác nhau. Theo đó có thể nói Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất từ nên văn minh Trung Hoa, nên cái Tết có thể cho là bắt nguồn từ Trung Hoa.
Tuy vậy, chúng ta không phải “hoà tan” về văn hoá mà chúng ta có sự chọn lọc khi tiếp thu văn hoá Trung Hoa, biến đổi sao cho phù hợp nhất với phong tục, tập quán của người Việt. Tiêu biểu chúng ta có thể thấy món “Thịt kho tàu” của người Việt nhiều người bảo rằng bắt nguồn từ món thịt kho Đông Pha của Trung Quốc. Nhưng điều này hoàn toàn sai, món “Thịt kho tàu” của Việt Nam chính xác là ở khu vực miền Nam người ta gọi đó là “Thịt kho lạc” bởi tính chất lờ lợ của món thịt kho có thể ăn liên tục nhiều ngày vào các ngày Tết khi chợ truyền thống vẫn chưa mở trở lại. Trái ngược với món thịt kho Đông Pha của Trung Quốc, do vậy có thể nói đây chính bản sắc văn hoá riêng của Việt Nam.
Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, cái Tết có từ khoảng hơn 100 năm trước Công Nguyên, đời Hán và có nguồn cội đang xen văn hoá Việt-Hoa. Cũng theo giáo sư, Tết là thời Hán Vũ đế theo lịch “kiến Dần” nghĩa là lấy tháng Dần làm tháng đầu năm.
Theo âm Hán-Việt thì Đán có nghĩa là sớm, Nguyên có nghĩa là đầu. Tết Nguyên Đán chính là ngày đầu tiên của tháng đầu tiên.
Bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, người ta gọi là Tết Ông Công, Ông Táo. Ông Táo cưỡi ngựa cá chép bay lên trời để lại dưới hạ giới một cảnh tượng hỗn loạn vô chủ về tâm linh. Người ta làm cỗ cúng tiễn ông chầu giời bằng cách mua cá chép sống thả phóng sinh xuống ao hồ. Ý nghĩa ở đây là từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống. Và cũng ý đó ngày nay nhà nhà trồng cây nêu trước sân. Ngọn cây nêu là túm lông gà và miếng vải đỏ.
Nghi thức quan trọng sau ngày đưa Ông Táo về trời đó chính là Giao thừa, là thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ. Đây là thời điểm được huyền thoại hoá như lúc âm dương kết giao, phối ngẫu đất trời để sản sinh sự vật hiện tượng mới. Thời điểm này, mỗi nhà sẽ có những mâm cỗ khác nhau đến đón Ông Táo trở về nhà, lại bắt đầu một năm làm việc mới.
Tết là sự đón mừng năm mới mừng cái mới và hy vọng cái mới nhưng Nguyên Đán lại là ngày đổi mới quan trọng nhất vì là đầu năm mới. Sau 3 ngày Tết người ta làm lễ, cúng cỗ hóa vàng đốt tiền giấy và tiễn tổ tiên từ dương cơ người đang sống trở lại chốn âm phần. Từ phút giao thừa sự sống hồi sinh và sau 7 ngày thì được coi là hoàn toàn phục hồi. Và mùng 7 Tết là khai hạ, hạ nêu coi như Tết kết thúc.
Theo thang giá trị Châu Âu thì màu đỏ được xem là màu của bác ái màu của cách mạng. Trong thang giá trị của người Châu Á, nếu như màu vàng tượng trưng cho sự giàu sang và thịnh vượng, thì màu đỏ chính là màu tượng trưng cho sự đầm ấm, may mắn. Sắc đỏ phù hợp với không khí linh thiêng, sum vầy của dịp Tết cổ truyền, vì nó mang lại vượng khí, tài lộc và sức mạnh. Chính thế, trong các dịp lễ tết, gam màu này được xem là màu đem đến sự bình an, niềm vui đến với tất cả mọi người.
Ở góc độ tâm linh, ma quỷ sợ màu đỏ nên những ngày ông Táo về trời hoặc vào thời khắc giao thừa người ta treo câu đối đỏ hay cắm hoa đào thì ma quỷ sẽ sợ không dám bén mảng. Vì thế màu đỏ là màu chủ đạo trong ngày Tết. Từ phong bao lì xì, pháo, câu đối dán cửa, miếng vải trên ngọn cây nêu đến hạt cũng được nhuộm đỏ. Và khi bánh chưng luộc chín, người ta còn buộc thêm lạt đỏ bên ngoài rồi mới đặt lên bàn thờ gia tiên.
bài viết liên quan
LUNAR NEW YEAR GREETINGS LETTER 2025
22 January, 2025
THƯ CHÚC TẾT XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025
22 January, 2025
Bài viết nổi bật
LUNAR NEW YEAR GREETINGS LETTER 2025
22 January, 2025
THƯ CHÚC TẾT XUÂN ẤT TỴ NĂM 2025
22 January, 2025